Cẩm nang HR Đào tạo Giáo dục và Đào tạo Góc Nghề Quản Trị Uncategorized Thực chất trong Giáo dục để tạo ra những công dân trẻ có Tư duy Sáng tạo và Phản biện TS. Bùi Phương Việt Anh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam cho rằng, giáo dục – đào tạo phải lấy yêu cầu thực tế cuộc sống và đòi hỏi của nghề nghiệp tương lai làm thước đo cho việc xây dựng nội dung học tập. Dưới góc nhìn của ông, người trẻ đã tận dụng cơ hội thế nào trong thời đại trí tuệ nhân tạo AI? Có thể khẳng định, trong thế giới của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà đỉnh cao là sự ra đời của kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tiếp tục mang đến nhiều đổi thay của thế giới. Trong đó, giáo dục sẽ được thừa hưởng những thành quả của AI như một hệ quả tất yếu của đổi mới. Sự lên ngôi của công nghệ với sức mạnh của Big Data (dữ liệu lớn) sẽ đem tới sự thay đổi vượt trội trong giáo dục. Từ đó, tạo ra muôn vàn cơ hội cho chúng ta tiếp cận với những tiến bộ, đổi mới, thay đổi bản thân mỗi người cho sự phát triển vì mục tiêu hạnh phúc. Học sinh sẽ có cơ hội học tập xuyên biên giới với trình độ ngoại ngữ ngày một tiến bộ. Đồng thời, cơ hội chinh phục các đỉnh cao công nghệ, khám phá bản thân, giao lưu học hỏi và chia sẻ toàn cầu sẽ tạo ra nhiều thành công hơn, nhiều sản phẩm sáng tạo hơn và hiệu quả cũng cao hơn. Nhưng cần phải chú ý kiểm soát tốt các khâu, công đoạn và đối tượng, tránh sa đà vào mặt trái của công nghệ và bị khai thác lợi dụng, thậm chí phạm pháp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc học vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề như nhồi nhét kiến thức, chạy đua theo thành tích, giáo dục “đồng phục” nhưng khối kiến thức đó là rất nhỏ so với trí tuệ nhân tạo. Ông nghĩ gì về câu chuyện này? Cũng phải nhìn nhận khách quan mang tính hệ thống thì giáo dục của ta vẫn đang có nhiều tích cực, ngoại trừ bệnh thành tích và hình thức. Tôi cho rằng, chất lượng giáo dục cao chưa chắc đã tạo ra hiệu quả làm việc cao. Thế nên, cần phải tạo ra văn hóa học tập cho cả người dạy, người học và cả cộng đồng để kiến thức, tri thức là quyền lực thực sự cho mỗi cá nhân và tổ chức. Lúc đó, mọi thứ ắt sẽ phải đi theo quỹ đạo của nó. Tức là, giáo dục sẽ đi sâu vào thực chất năng lực của người học gắn với quản lý chất lượng thông qua cấp văn bằng thì người học sẽ chọn lựa cái họ cần thay vì cái mà chương trình yêu cầu. Vấn đề thứ hai, với mỗi cấp độ đào tạo và đối tượng khác nhau sẽ có những yêu cầu và thông tin khác nhau. Vậy nên, không dùng so sánh năng lực của AI để đánh giá đào tạo năng lực của người học. AI xử lý trên nền tảng dữ liệu lớn trong khi người học theo đặc điểm tâm lý nên dữ liệu cần được cung cấp và xử lý theo thời gian và cấp độ sẽ cần thời gian lâu hơn. Vấn đề thứ ba, cần tái cấu trúc lại chương trình đào tạo của các cấp học, bậc học theo khung năng lực. Giáo dục – đào tạo phải lấy yêu cầu thực tế cuộc sống và đòi hỏi của nghề nghiệp tương lai làm thước đo cho xây dựng nội dung học tập. Bên cạnh cơ hội thì người trẻ đang phải đối mặt với những thách thức gì trong thời đại công nghệ, theo ông? Có rất nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều khó khăn mà giới trẻ đang phải đối mặt trong thời đại hiện nay. Cụ thể, thách thức đầu tiên đến từ việc xử lý dữ liệu và thông tin chính xác do nhiễu loạn thông tin; thiếu định hướng và văn hoá nền tảng, dẫn tới các kỹ năng sống rất thiếu và yếu; mất đi sự sáng tạo do có nhiều dữ liệu sẵn nên gần như những đứa trẻ mất đi khả năng thích ứng tích cực. Đồng thời, các em bị lạm dụng trên không gian mạng gây nhiều hệ luỵ cả tinh thần, thậm chí tính mạng của trẻ do không được phát hiện và xử lý kịp thời. Ngoài ra, việc mất đi định hướng các lĩnh vực khác, mải mê với công nghệ và trong thực tế năng lực của trẻ chưa thể đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực này, gây nhiều tốn kém, thất bại sau này. Trong các nhà trường hiện nay đã thực sự chú trọng giáo dục tư duy phản biện, tư duy kiến tạo hay chưa? Và chúng ta cần phải thay đổi gì? Thực tế khi tôi dạy kỹ năng giảng dạy cho nhiều giáo viên đi dạy kỹ năng mềm và kỹ năng sống thì phát hiện ra sự thật chúng ta đang dạy kỹ năng hình thức. Vậy nên, thật dễ hiểu là các cơ sở giáo dục hiện nay có nội dung nhưng hiệu quả của hoạt động giáo dục ấy là rất thấp. Thế giới có sự góp mặt của AI cũng như công nghệ sẽ làm cho con người năng động hơn, sáng tạo và làm chủ cuộc chơi mới tạo ra đổi mới. Bởi vậy, các cơ sở giáo dục thay vì liệt kê các nội dung và kỹ năng cần phải rà soát lại chương trình đào tạo và hoạt động trong nhà trường để thực chất hơn. Đồng thời, hoạt động đào tạo và giáo dục đi tới mục tiêu cá biệt hoá hoạt động, khác biệt hóa trong mục tiêu. Hơn thế, cần thực chất trong giáo dục để đón đầu yêu cầu của cuộc sống hiện nay là người học có tư duy sáng tạo, phản biện và độc lập trong hành động với năng lực quản trị cảm xúc cá nhân tiến tới công dân toàn cầu. Có cách nào giúp người trẻ có thể trở thành những cá nhân tự tin, chủ động và phát huy được thế mạnh của bản thân trong tương lai hay không, thưa ông? Đầu tiên, Chính phủ cần định hướng và ban hành các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và các bên liên quan. Bộ GD&ĐT cần phải đổi mới hệ thống giáo dục để nâng cấp hệ thống ấy liên thông và mở với một nguồn tài nguyên học liệu đủ lớn để khuyến khích người học “cần gì học nấy”. Đối với các cơ sở giáo dục, phải thực sự đổi mới và tự chủ trong xây dựng triết lý đào tạo của trường, đội ngũ đủ mạnh cho triết lý đó gắn với chương trình đào tạo thực chất trên nhu cầu của người học và với quy định chất lượng của quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, phải nhìn nhận trong thế giới hiện nay, chúng ta cần giúp mỗi công dân trẻ trở thành người có ước mơ, có hoài bão và năng lực. Đồng thời, làm sao để họ có thái độ tích cực, ham học hỏi gắn với năng lực giao tiếp, hội nhập và thấu hiểu bản thân trước khi tiếp cận với thế giới học thuật rộng lớn kia. Nhà trường cùng với gia đình hiểu con mình, hiểu mục tiêu của con, đặt ra mục tiêu phải dựa vào năng lực và yêu cầu của thực tế thay vì chỉ đưa ra mục tiêu cảm tính ép buộc con trẻ làm theo ý muốn của gia đình hoặc theo người khác. Cuối cùng, hệ thống giáo dục cùng với thầy cô là “người thợ” trực tiếp thực hiện chiến lược giáo dục cần phải đổi mới thực chất; có tâm để sản phẩm là ý thức của học sinh, năng lực của học sinh, sự trưởng thành của học sinh chứ không phải là kết quả đỗ đại học hay thành tích thi cử. Xin cảm ơn ông! Nguồn: Báo Quốc tế